Xã Phúc Sen, huyện miền núi biên giới bản vùng cao mây vờn huyền ảo. |
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, đến nay người Nùng An, xã Phúc Sen, huyện Quảng Uyên (Cao Bằng) vẫn lưu giữ và phát huy được nét đẹp văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc, thể hiện qua nhiều mặt của đời sống văn hóa vật chất, tinh thần và các mối quan hệ xã hội,
từ ẩm thực, trang phục đến các nghề truyền thống của cha ông.
phơi vải sau khi đã nhuộm chàm
Tinh hoa trang phục truyền thống người Nùng an
Phúc Sen có 10 thôn, bản với hơn 423 hộ dân, 100% là dân tộc Nùng an. Những bản làng của người Nùng an nằm yên bình dưới chân những dãy núi đá được che phủ một màu xanh ngắt của những cây nghiến, cây mạy rạc, xung quanh là những thửa ruộng bậc thang. Nét văn hóa truyền thống của người dân nơi đây được thể hiện ngay trong kiến trúc của mỗi ngôi nhà, bởi vật liệu không thể thiếu là đá.
Những ngôi nhà sàn được xây, xếp bằng đá hộc, cột nghiến, mái lợp ngói âm dương; bậc cầu thang lên sàn cũng được xếp bằng đá, bể nước nhỏ rửa chân trước nhà cũng bằng đá. Trong nhà, nhiều vật dụng cũng làm bằng đá như: cối xay, cối giã gạo, đá kê làm bếp, đá kê chân cột nhà... Nhiều con đường vào các xóm cũng được lát bằng những viên đá, những bức tường rào ngăn cách giữa các ngôi nhà, khu vườn, thửa ruộng đều được xếp bằng đá...
Trong khi cảnh vật thiên nhiên tạo nên nét đặc trưng ở Phúc Sen thì con người nơi đây lại thể hiện một nét đẹp riêng biệt so với các dân tộc khác bằng các trang phục truyền thống thường ngày của họ. Trang phục truyền thống của cả nam lẫn nữ đều làm từ vải chàm, do những người phụ nữ Nùng an cần cù chịu khó làm nên.
Một trong những vật dụng không thể thiếu trong mỗi căn nhà ở Phúc Sen đó là khung cửi dệt vải. Cây đay, cây bông sau khi thu hoạch được ngâm tuốt xe thành sợi, qua bàn tay của người phụ nữ, những tấm vải được hình thành.
Nét đẹp của chiếc áo chàm thể hiện ở dáng điệu, đường nét, đặc biệt là màu chàm khác biệt làm tôn lên nước da của người phụ nữ, chiếc đai thắt ngang lưng tăng thêm vẻ đẹp của loại trang phục này. Hiện nay, các loại quần áo may sẵn bán nhiều nên vải chàm được dệt ít nhưng người Nùng an vẫn thường xuyên mặc những bộ quần áo truyền thống của mình trong sinh hoạt hàng ngày, khi đi học, đi chợ, đám cưới và lễ hội; mùi thơm của vải chàm đã gắn bó với họ từ lâu đời và họ tự hào về bộ quần áo chàm mang đậm bản sắc của người Nùng an
Đối với riêng người Nùng an thì từ trước đến nay, trang phục truyền thống luôn được giữ gìn, ưa chuộng vì quần áo làm từ vải bông mặc rất thoải mái, mát mẻ vào mùa hè và ấm áp vào mùa đông. Tất cả các bộ trang phục tôi mặc đều do tôi tự dệt, nhuộm và cắt may. Người già chúng tôi cũng thường xuyên kể cho con cháu trong gia đình về truyền thống của dân tộc Nùng và nhắc nhở con cháu giữ gìn truyền thống của người Nùng.
Giai đoạn nhuộm vải trong chum
Nghề dệt vải chàm cũng lắm công phu
Theo nhiều phụ nữ Nùng an ở Phúc Sen, để dệt được những tấm vải chàm phải mất khá nhiều công sức và qua nhiều công đoạn. Bông thu hoạch về được phơi qua mấy nắng rồi đem cán để tách riêng phần hạt và phần bông.
Sau khi bông đã được cán thì đem bật và kéo thành những cuộn sợi nhỏ. Sau đó là hồ sợi, công việc khá cầu kỳ. Hồ được làm từ ngô, 1kg sợi dùng 1kg ngô xay vỡ đôi, vỡ ba, đem ninh nhừ rồi vắt bỏ phần bã. Sợi bông được ngâm với tinh chất ngô khoảng 2 giờ đồng hồ rồi đem phơi khô, đến khi nào những sợi bông tách nhau ra và cuốn thành những cuộn sợi dai và chắc. Tiếp theo là đưa lên khung cửi để dệt ra những tấm vải.
Tuy nhiên, để có những tấm vải chàm thì cần phải qua bước nhuộm vải. Đây là công đoạn khá phức tạp, những cây chàm được lấy về ngâm cho nát nhừ và tinh lọc giữ lại phần tinh bột của chàm. Tinh bột chàm được đun sôi cùng với một số loại lá cây như cúc tần, chanh, thanh thảo, bưởi... đến khi nước nhuộm nổi bọt mới được.
Mỗi ngày vải được nhúng thuốc nhuộm ba lần, mỗi lần nhúng lại đem vải phơi khô rồi lại nhúng vào thuốc nhuộm. Sau ba lần nhuộm, vải được phơi khô và giặt sạch, sau một ngày lại lặp lại công việc nhuộm vải của ngày đầu tiên và cứ đủ 5 lần ngâm, giặt, phơi thì được một tấm vải chàm. Vải chàm tốt là vải có màu sắc đen ánh đỏ và rất bền.
Dệt vải chàm đòi hỏi sự khéo léo, tinh tế, tỉ mỉ đến từng chi tiết nhỏ. Một vuông vải chàm có thể may váy, may áo, làm mặt gối, mặt chăn, làm khăn đội đầu, hay cũng có khi là dùng để thêu thùa, trang trí trong gia đình. Không biết từ bao giờ, vải chàm đã tạo nên nét duyên dáng trong trang phục của người con gái dân tộc, làm thăng hoa hương sắc thổ cẩm.
Những họa tiết thổ cẩm với sắc màu rực rỡ được khéo léo thêu trên nền sắc chàm dung dị đã tạo nên cái “hồn” của mỗi trang phục dân tộc; chỉ cần nhìn vào vuông vải cũng có thể nhận ra được nét tinh hoa văn hóa của từng dân tộc, từng vùng miền.
Từ lâu, màu sắc và hoa văn vải chàm đã làm nên nét văn hóa đặc trưng của người Nùng, Tày vùng Đông Bắc. Tuy nhiên, trong nền kinh tế thị trường, việc gìn giữ, bảo vệ và phát huy những nghề truyền thống như nghề dệt vải chàm không chỉ là của một cá nhân mà cần phải có định hướng của các ngành, các cấp Cao Bằng, vừa nhằm giúp bà con xóa đói, giảm nghèo vừa giữ gìn những nét văn hóa độc đáo cho các thế hệ mai sau.
Trang phục dân tộc đang dần mai một
Mỗi dân tộc đều có những nét văn hóa, trang phục riêng. Trang phục như một thứ “ngôn ngữ” biểu đạt những nét đặc trưng riêng, đặc sắc của từng dân tộc. Nhìn chung, trang phục truyền thống của các dân tộc ở Cao Bằng đều được làm từ nguyên liệu chính là sợi bông, sợi tơ tằm và lanh.
Quy trình sản xuất hoàn toàn thủ công, được thực hiện trên khung cửi tự tạo và chủ yếu là do người phụ nữ làm. Mỗi dân tộc trong cộng đồng cư dân Cao Bằng có cách tạo hình trang trí và sử dụng trang phục theo những đặc điểm văn hóa riêng của mình.
Tuy nhiên, thời đại công nghiệp hóa ngày nay đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc bảo tồn và gìn giữ các trang phục truyền thống của dân tộc và số làng xóm, vùng đồng bào tự dệt, nhuộm và may mặc như đồng bào Nùng An, xã Phúc Sen, huyện Quảng Uyên hiện nay còn rất ít. Sắc chàm của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Lô lô, Sán Chỉ, nét hoa văn sặc sỡ của đồng bào Mông, Dao... trước kia là nét đặc trưng nay đã được pha trộn với quần tây, áo sơ mi giống như dân tộc Kinh để thuận tiện cho công việc.
Chất liệu sản xuất trang phục, cách thức trang trí hoa văn trên trang phục đang có những thay đổi ngày càng xa rời nguyên bản, truyền thống: nguyên liệu sợi bông, tơ tằm do quá đắt được thay bằng len; màu nhuộm chàm không còn là màu tự nhiên; khung cửi thủ công thay bằng máy dệt công nghiệp, hoa văn trang trí không còn theo các hình mẫu truyền thống…
Thực tế, nhiều dân tộc thiểu số ở vùng cao đã nhiều năm không còn dùng trang phục dân tộc trong sinh hoạt ngày thường, kể cả trong ngày lễ, tết; hội hè cũng không còn bóng dáng trang phục truyền thống, nhất là lớp trẻ.
Do thị trường hàng hóa phát triển, nhiều yếu tố ngoại lai du nhập, thị hiếu thay đổi; nghề dệt, nhuộm thủ công truyền thống không được chú ý hỗ trợ để sản xuất nguyên liệu, đổi mới trang thiết bị, cải tiến mẫu mã và thông tin quảng cáo giới thiệu sản phẩm… Đây cũng là một thay đổi mang tính tất yếu, cần thiết nhưng phải duy trì bảo tồn những tinh hoa văn hóa của dân tộc mình.
Những năm gần đây, ở Phúc Sen đa số còn gìn giữ được trang phục truyền thống hơn so với các dân tộc khác trong tỉnh, nhưng chỉ có phụ nữ già tuổi mới mặc hàng ngày, còn lại chỉ giữ cho mình 1 - 2 bộ để mặc vào những ngày lễ, tết, ngày hội. Các thế hệ trẻ họ không quan tâm, nhưng với lớp già chúng tôi lại rất nhiều trăn trở và lo lắng.
Hoàng Bằng Mạc